Thứ bảy, 17/05/2025,15:24 (GMT+7)
Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị khởi tố, người dân ủng hộ xử lý nghiêm
Các đại biểu ủng hộ chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác hậu kiểm.
 
Ngày 17-5, tại kỳ họp thứ 9, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) băn khoăn về công tác hậu kiểm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thời gian qua.
 
Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị khởi tố, người dân ủng hộ xử lý nghiêm - Ảnh 1.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà. Ảnh: Phạm Thắng
 
Nhấn mạnh việc đổi mới từ tiền kiểm sang hậu kiểm là cần thiết, song ông Hòa đánh giá công tác hậu kiểm thời gian qua còn lơ là, đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn thiếu trách nhiệm trong việc này.
 
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết thời gian qua cơ quan chức năng triệt phá nhiều vụ việc về hàng giả, hàng kém chất lượng như sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả… "Việc thiếu hậu kiểm về chất lượng hàng hoá, dẫn đến người tiêu dùng bị nhầm lẫn một số mặt hàng trên thị trường là đảm bảo chất lượng, nhưng khi cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, thì kết luận đó là hàng giả, hàng kém chất lượng"- ông Hòa nêu thực trạng.
 
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh các cơ quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về công tác hậu kiểm thời gian qua. Ông cũng nhắc đến vụ việc cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong bị khởi tố và cho biết dư luận rất ủng hộ, hoan nghênh việc xử lý nghiêm này.
 
Ở lần sửa đổi luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị cần có các quy định để đẩy mạnh công tác hậu kiểm, nâng cao trách nhiệm hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước, qua đó lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. Đồng thời đảm bảo các sản phẩm khi lưu thông trên thị trường sẽ có chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
 
Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong bị khởi tố, người dân ủng hộ xử lý nghiêm - Ảnh 2.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh. Ảnh: Phạm Thắng
 
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) đánh giá quy định phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu hậu kiểm là cần thiết.
Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi lại quá tập trung ở khâu tiền kiểm, bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp hậu kiểm.
 
"Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cân nhắc, vì công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của nhà nước nhằm đảm bảo chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành. Bài học của những lùm xùm về sữa và thực phẩm chức năng giả vừa qua"- đại biểu Thanh nêu quan điểm.
 
Đối với quy định trong dự thảo luật sửa đổi đối với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa "là cơ quan quản lý nhà nước", đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị xem lại quy định này, bởi trái với chủ trương của nhà nước về xã hội hóa các dịch vụ công và tinh giảm đầu mối các cơ quan nhà nước.
 
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố bị can đối với cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong về tội Nhận hối lộ.
 
Cùng về tội danh nêu trên, 4 cán bộ Cục An toàn thực phẩm khác cũng bị khởi tố, gồm: Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, chuyên viên trung tâm và Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc.
 
Các quyết định tố tụng nêu trên nằm trong quá trình Bộ Công an mở rộng điều tra vụ sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (36 tuổi, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA) cầm đầu.
 
Tại cơ quan công an, bị can Nguyễn Thanh Phong khai sau một lần đi hậu kiểm về, được Cao Văn Trung đưa phong bì bên trong có 50 triệu đồng, nói là "doanh nghiệp cảm ơn".
 
Theo lời khai của cựu cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, bị can đã nhận tổng cộng 250 triệu đồng sau những lần đi cấp chứng nhận GMP, hậu kiểm... cho 2 nhà máy MediPhar và MediUSA.
 
Trong khi đó, bị can Cao Văn Trung thừa nhận sai phạm của bản thân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng, khi quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, làm cho công tác kiểm tra hậu kiểm giảm tính khách quan.
 
Minh Chiến - Văn Duẩn (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu